Truyền thông nhận thức đúng về tự kỷ
Ngày 02/04 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày “Thế giới nhận thức về tự kỷ”, nhằm kêu gọi quan tâm của cộng đồng về hội chứng này. Cách tốt nhất để hưởng ứng ngày này chính là nhận biết các đặc điểm của người tự kỷ, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của những người xung quanh.
Việc phát hiện sớm phổ tự kỷ có vai trò quan trọng đối với sự thay đổi và khả năng hòa nhập cộng đồng sau này. Để phát hiện sớm phổ tự kỷ, cần tăng cường truyền thông nhận thức đúng về tự kỷ trong cộng đồng.
Can thiệp sớm rất quan trọng với phổ tự kỷ. Đó là bước đầu tiên và chất lượng can thiệp quyết định tương lai người tự kỷ. Can thiệp sớm lý tưởng nhất là ngay khi mới phát hiện rối loạn phổ tự kỷ.
Nếu quá trình can thiệp sớm không được thực hiện tốt, có thể bỏ lỡ thời gian và cơ hội. Các bước tiếp theo như để hòa nhập, hướng nghiệp, việc làm, sống độc lập trở nên vô cùng khó khăn.
Bản chất của tự kỷ là một rối loạn phát triển. Nhưng dạng tật này lại không có trong Luật Người khuyết tật, dẫn đến việc các rối loạn phát triển, trong đó có tự kỷ, dường như đang bị bỏ lại phía sau.
Từ đó, cần có một số giải pháp tuyên truyền hỗ trợ thiết thực nhất cho phổ tự kỷ trong cộng đồng.
Thứ nhất, phổ tự kỷ cần được phát hiện sớm, cần truyền thông nhận thức đúng về tự kỷ trong cộng đồng. Phổ tự kỷ có tỷ lệ mắc rất cao hiện nay, và nguyên nhân không nằm ở cách nuôi dạy. Cần triển khai các hoạt động tầm soát, sàng lọc để phát hiện sớm, từ đó can thiệp sớm.
Thứ hai, cần công bố chính thức các biện pháp can thiệp có căn cứ khoa học trên cổng thông tin điện tử của ngành về y tế, giáo dục. Ban hành tiêu chuẩn hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ can thiệp rối loạn phổ tự kỷ. Tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các thành viên trong gia đình tìm kiếm thông tin, lựa chọn phương pháp, cơ sở can thiệp, học hỏi kiến thức để đồng hành một cách hiệu quả.
Thứ ba, thiết lập các mô hình hòa nhập hiệu quả cho phổ tự kỷ. Hiện nay, phổ tự kỷ vẫn được hòa nhập cộng đồng, nhưng chưa có đủ các mô hình đặc biệt hỗ trợ, nên vẫn gặp khó khăn. Ngoài ra, mô hình hoạt động mà mọi người có thể tham gia, như các cuộc thi thể thao, văn nghệ, nghệ thuật, các lớp kỹ năng… và chấp nhận những khác biệt. Từ đó, khi có cơ hội được giao tiếp, và được tham gia các hoạt động thân thiện ở cộng đồng sẽ giảm bớt các triệu chứng tự kỷ.
Sự phối hợp của các ngành liên quan như ngành Y tế, ngành Giáo dục, ngành công tác xã hội cùng các tổ chức xã hội, mạng lưới tuyên truyền viên cùng tham gia giải quyết vấn đề này cũng rất cần thiết.
Tổ TTGDSK, TTYT Châu Phú